Sự tích về Cô Đệ Nhất Thượng Thiên – Đền Cô ở đâu và cách dâng lễ

Cô Đệ Nhất Thượng Thiên hẳn là không còn xa lạ với những ai thường xuyên đi đền chùa khấn vái. Tuy nhiên, đối với những người lần đầu có dự định đi lễ đền Cô, hẳn là chưa có nhiều thông tin.

Và hôm nay, để du khách hiểu thêm về vị Thánh Cô xếp hàng thứ nhất trong Thánh Cô tứ phủ này, bài viết xin được điểm qua về thân thế của Cô cũng như những lưu ý khi đi lễ đền Cô để lời cầu khấn của bạn được linh ứng nhất.

Truyền thuyết về Cô Đệ Nhất Thượng Thiên là ai?

+ Theo dân gian kể lại, cô Đệ Nhất Thượng Thiên xuất thân là con vua Thủy Tề, ngự ở Thoải Cung, sau lại được Ngọc Hoàng đại đế phong là Thiên Cung Công Chúa. Cô được biết đến là người hiền thục, nết na và vô cùng xinh đẹp.

+ Những sự tích về cô bắt đầu được kể lại từ thời Văn Lang. Đây cũng là những thần tích đầu tiên về việc cô giáng xuống hạ giới. Theo đó, khi các vua Hùng dựng nước và giữ nước, cô được vua cha Thủy Tề cho hạ phàm. Cô có công lớn trong việc giúp nhà nước Văn Lang thống nhất các bộ tộc trong nước. Cô cũng được biết đến là vị tiên cô theo đức Thánh cả giết giặc phương Bắc.

Ngoài ra, theo một số tài liệu cổ, cô còn được cho có liên quan tới câu chuyện rùa vàng giúp Thục Phán An Dương Vương xây thành Cổ Loa và chống giặc Triệu Đà sau đó. Tuy nhiên, thần tích này về cô còn rất mơ hồ và có tính chính xác không cao nên không được nhiều người nhắc đến.

+ Sự tích về cô sau đó tiếp tục được kể dưới thời nhà Lê sơ. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn – Thanh Hóa, cô lại lần nữa giáng trần, góp công lớn giúp Lê Lợi diệt giặc Minh, lập ra nhà Lê.

+ Sau này, khi thiên hạ thái bình, ổn định, Cô không quay về trời cũng không về lại Thoải Cung mà đi theo hầu mẫu Liễu Hạnh, hay còn gọi là Mậu Đệ Nhất Thượng Thiên, vì thế mà cô cũng được dân gian gọi là Cô Đệ Nhất Thượng Thiên.

+ Sau này, tuy không còn xuất hiện dưới triều đại nào của lịch sử phong kiến, cũng không ghi nhận thêm thần tích nào về việc cô đầu thai chuyển thế giúp dân đánh giặc cứu nước nhưng vẫn có nhiều người chứng kiến cô hiển linh và chữa bệnh giúp dân. Theo đó, cô hay cưỡi mây cưỡi gió đi khắp các miền trong cả nước, từ Bắc vào Nam. Gặp cảnh đẹp nào cô cũng dừng chân, dựng nhà ngắm cảnh.

+ Ngày nay, việc Cô Đệ Nhất hiển linh ngày càng mờ nhạt dần và không còn quá nhiều người được tận mắt chứng kiến cô ngự đồng. Chỉ khi nào gặp những người sát căn, sát quả với Cô, Cô mới ngự đồng hiển linh. Khi ngự đồng, cô thường mặc áo màu đỏ.

Hướng dẫn Dâng lễ Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên 

Chọn ngày dâng lễ Cô

Đối với những người lần đầu dâng lễ lên Cô Đệ Nhất, việc chọn ngày lành tháng tốt là vô cùng quan trọng, bởi cô không thường xuyên hiển linh nên có thể sẽ không chứng giám được lời thỉnh cầu của bạn.

Theo đó, ngày tốt nhất trong năm mà du khách nên lựa chọn để dâng lễ lên Cô Đệ Nhất Thượng Thiên là ngày 3/3 âm lịch. Đây là ngày tiệc Mẫu Liễu Hạnh, nên việc cô Đệ Nhất Thượng Thiên hiển linh cùng với Mẫu là điều đương nhiên, và lời thỉnh cầu của bạn trong dịp này sẽ được Cô chứng giám và sẽ nhanh chóng linh ứng.

Bên cạnh đó, du khách cũng có thể chọn những ngày rằm, mồng Một đầu tháng hay những ngày đầu năm mới để dâng lễ lên cô.

Dâng lễ Cô Đệ Nhất Thượng Thiên nên cầu gì? 

Cô tuy không hiển linh thường xuyên, nhưng rất linh thiêng, bởi cô là vị Thánh Cô xếp hàng thứ nhất và là hầu cận thân cận nhất bên cạnh Mẫu Liễu Hạnh. Vì thế mà những lời thỉnh cầu của bạn không chỉ được cô chứng giám mà còn có thể đến được với Mẫu Liễu Hạnh, từ đó giúp cho những lời thỉnh cầu ấy linh ứng nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, đến dâng lễ Cô Đệ Nhất, du khách không nên cầu khấn những điều quá cao sang, không thực tế. Điều đầu tiên mà bạn nên cầu nhấn là cầu bình an và sức khỏe. Bên cạnh đó, những ai có bệnh trong người thì nên cầu khấn để được cô chữa trị cho khỏi bệnh, được sống lâu sống khỏe.

Sau khi đã cầu khấn những điều trên, du khách mới nên cầu tài lộc và công danh sự nghiệp. Đa phần những người cầu khấn cô phù hộ độ trì cho gia đình ăn nên làm ra, con cái học hành đỗ đạt hay thăng tiến trong đường công danh sự nghiệp đều được cô phù hộ độ trì.

Tuy vậy, khi dâng lễ lên Cô, không được phép cầu khấn những điều quá đáng, trái với luân thường đạo lý. Những kẻ cầu buôn gian bán lận được trót lọt hay lừa đảo, trộm cắp, cướp của mà vẫn được bình an, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật chẳng những không được cô phù hộ độ trì mà còn bị Cô vật cho sống không yên ổn, nhanh bị pháp luật trừng trị hơn.

Bên cạnh đó, những điều quá đáng, thể hiện sự tham lam của bản thân như không làm mà cũng có ăn hay thăng tiến tới những vị trí không tưởng, không xứng đáng với tài năng và công sức mà mình bỏ ra cũng không được Cô chứng giám và phù hộ.

Dâng lễ Cô cần những gì? 

Một lễ dâng lên Cô Đệ Nhất không yêu cầu quá cầu kỳ, xa hoa, tốn kém nhưng nên có đủ những vật phẩm sau:

  • Hoa quả, bao gồm lọ hoa tươi và đĩa quả tươi.
  • Rượu thịt bao gồm 1 đĩa xôi, 1 con gà luộc hoặc 1 đĩa thịt luộc, 1 cút rượu trắng. Trầu cau.
  • Tiền vàng.
  • Bên cạnh đó cần có sớ viết tên người dâng lễ và cần chuẩn bị trước bài văn khấn khi dâng lễ lên cô.
  • Đặc biệt, trong mâm lễ không nên thiếu oản. Oản này nên là oản màu đỏ, tượng trưng cho Cô khi ngự đồng và cần được trang trí các họa tiết ở xung quanh cho sang trọng, lịch sự.

Dâng lễ Cô cần chú ý gì? 

Điều đầu tiên khi dâng lễ lên Cô Đệ Nhất cần chú ý là sự thành tâm và thành kính. Chỉ có một lòng hướng đến Cô và cầu mong những điều chính đáng, thật tâm mà mình đang mong muốn mới được cô chứng giám. Bên cạnh đó, không nên cầu xin Cô những điều phi thực tế.

Du khách cũng cần phải chú ý cách ăn mặc, nói năng, cư xử sao cho đúng mực, không được báng bổ thành thánh bởi như vậy sẽ bị thánh vật.

Vị trí Đền Cô Đệ Nhất Thượng Thiên ở đâu? 

Là một trong tứ phủ Thánh Cô và đứng hàng thứ nhất, nên hầu hết các đền thờ Mẫu đều có thờ tượng cô, trong đó đặc biệt là đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, bởi cô là vị Thánh Cô hầu cận thân cận nhất bên cạnh Mẫu. Trong những đền này, cung thờ Cô thường được đặt ngay sát bên cung chính thờ Mẫu.

Cũng có nhiều luồng ý kiến tranh cãi về đền thờ chính của Cô Đệ Nhất Thượng Thiên hiện tại ở đâu. Có người nói đền chính thờ Cô là đền Dùm Tuyên Quang. Tuy nhiên thực tế đền này thờ Cô Đệ Nhất theo hầu Mẫu Thượng Ngàn chứ không phải là đền thờ Cô Đệ Nhất Thượng Thiên.

Ý kiến khác cho rằng đền thờ cô tại Vân Đình – Ứng Hòa – Hà Nội. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, sẽ nhận thấy rằng cô Đệ nhất được thờ tại đền này không phải là Thánh Cô thuộc hàng tứ phủ Thánh Cô, hay nói cách khác, đó là một Cô Đệ Nhất khác không thuộc đạo Mẫu.

Trong thực tế, đền chính thờ Cô Đệ Nhất Thượng Thiên được nhiều người công nhận nhất nằm ở Nghệ An, cách đền ông Hoàng Mười 50km. Từ Hà Nội, có thể di chuyển đến đây bằng đường bộ thông qua Quốc Lộ 1A hoặc bằng đường hàng không tuyến Nội Bài – Vinh.

LỜI KẾT: Trên đây là một số thông tin về Cô Đệ Nhất Thượng Thiên và cách dâng lễ lên Cô dành cho người mới lần đầu đi lễ. Hy vọng rằng thông qua đây, bạn có thể thực hiện chuyến đi của mình một cách thuận lợi để mang về cho gia đình nhiều tài lộc, sức khỏe.

 

Bình luận trên Facebook