1597 lượt xem
Năm mới sắp đến và gia đình bạn đang có dự định đi lễ đền ông Hoàng Chín để lấy may. Tuy nhiên, ông Hoàng Chín là ai và đền ông ở đâu thì bạn lại không được rõ ràng. Đi lễ đền ông như thế, nào, dâng lễ ông ra sao cho đúng lễ nghi thì bạn cũng chưa nắm rõ.
Vì thế mà hôm nay, bài viết này xin được chia sẻ đến bạn một vài kinh nghiệm đi lễ đền ông để bạn và gia đình có thể tự chuẩn bị những gì tốt nhất cho một cuộc hành hương về với đền ông.
Trong đạo Mẫu, ông là một trong thập vị Quan Hoàng, được xếp ở hàng thứ chín. Trong thực tế, người ta thờ phụng 2 ông Hoàng Chín và những sự tích về hai ông cũng được kể khác nhau.
+ Theo truyền thuyết kể lại, ông Hoàng Chín Cờn Môn là một nhân vật có thật, sống dưới triều nhà Lý ở vùng đất Nghệ An. Sinh thời ông là một người theo học đạo thánh hiền với mong ước ra làm quan để trị nước giúp đời.
Ông là người có tài, học rộng hiểu nhiều, nhưng lại không gặp may mắn trên đường khoa cử. Sau nhiều lần liên tiếp trượt bảng vàng, ông chán nản và quyết định xuống tóc đi tu.
+ Ông lập miếu tu hành tại vùng cửa biển. Ngoài việc chuyên tâm vào tu hành, ông thường xuyên cứu vớt những người chết đuối trôi dạt về vùng cửa biển này và chôn cất họ một cách tử tế.
Vì thế sau này, khi ông mất, người dân trong vùng đã lập đền thờ ông tại chính nơi mà ông đã tu hành và cứu vớt những người xấu số lương thiện. Về sau, nhiều người dân đi biển qua vùng này còn kể lại cho nhau nghe nhiều câu chuyện khác nhau về việc ông hiển linh và cứu giúp những người đi biển gặp hoạn nạn.
+ Ông Hoàng Chín Cờn Môn còn có tên gọi khác là ông Hoàng Chín Sòng Sơn. Tương truyền, sau khi mất, ông chầu về Mẫu Sòng Sơn và ở lại hầu cận bên Mẫu tại đền Mẫu Sòng Sơn.
+ Ông ít khi ngự đồng, chỉ khi gặp người được ăn lộc ông hay sát căn sát quả với ông thì ông với loan se ngự đồng. Khi ngự đồng, ông mặc áo the màu đen. Tuy nhiên, khi ngự đồng tại đền Mẫu Sòng Sơn, ông mặc áo màu hồng bởi khi ấy, ông đang hầu cận Mẫu trong cung cấm.
Ông Hoàng Chín Thượng Ngàn là một trong thập vị Quan Hoàng thuộc Nhạc phủ. Ông hầu cận bên mẫu Thượng Ngàn và cai quản vùng rừng núi.
Tương truyền, sinh thời ông là một lương y, thường chu du khắp miền rừng núi để hái thuốc, chữa cháy cứu người. Những vùng ông đi qua, ai có bệnh nan y khó chữa và cầu ông giúp đỡ đều được ông chữa khỏi mà không lấy một đồng tiền công nào, cũng không cần những người này ghi nhớ để trả ơn. Sau này, khi ông mất, người dân những vùng này nhớ ơn vừ thờ phụng ông.
Ông Hoàng Chín Thượng Ngàn rất hay ngự đồng. Khi ngự đồng, ông mặc trang phục của dân tộc thiểu số, lưng đeo gùi, ở trần và đóng khố. Ông thổi khèn, châm thuốc và sau đó bắt bệnh, bốc thuốc cứu người.
Ngày nay, ông thường được người dân các tỉnh miền Nam thờ phụng, trong khi đó, ông Hoàng Chín Cờn Môn chủ yếu được biết đến ở miền Bắc.
Trong Đạo Mẫu, ông hoàng Chín Cờn Môn thường được nhắc đến nhiều hơn, và cũng được nhiều người dâng lễ hơn. Nói như vậy không phải là bỏ qua ông Hoàng Chín Thượng Ngàn, mà do tục thờ phụng ông chỉ diễn ra ở một số vùng cụ thể, và đến nay chưa có thông tin về việc ông được thờ phụng chính thức ở đền nào, vì vậy nên ở bài viết này, xin phép các bạn chỉ nhắc đến cách dâng lễ ông Hoàng Chín Cờn Môn.
Theo những người thường xuyên đi lễ đền ông, Quan Hoàng Chín là một vị Quan Hoàng rất linh thiêng. Những cầu mong của người đi lễ thường linh ứng rất nhanh. Vì thế nên đi lễ đền Ông vào ngày nào trong năm cũng tốt. Tuy nhiên, nếu không thể thường xuyên đi lễ đền Ông, bạn nên chọn một trong ba ngày sau để đi lễ;
Ngày Rằm, mồng Một âm lịch. Đây là những ngày mà người dân trong vùng thường đến dâng hương và cầu mong một tháng mới với nhiều may mắn.
Những ngày đầu năm mới. Những ngày này, không chỉ người dân trong vùng mà cả du khách thập phương cũng viếng thăm đền ông rất đồng để cầu mong một năm bình an và may mắn.
Ngày lễ đền ông, tức là ngày 19 và 20 tháng Giêng âm lịch. Đây cũng là ngày tốt nhất trong năm để lễ đền ông. Đây không chỉ là dịp du khách có thể dâng hương cầu khấn ông phù hộ những điều may mắn mà còn là dịp để du khách tham quan, tham gia một lễ hội truyền thống đặc sắc trong vùng.
Việc đầu tiên du khách cần chú ý khi đi lễ đền ông hoàng Chín là thành tâm và thành kính. Chỉ có thành tâm, thành kính từ đáy lòng thì những lời cầu nguyện của bản thân mới được ông chứng giám, phù hộ.
Khi đi lễ đền ông, du khách cũng cần chú ý đến vấn đề ăn mặc và nói năng. Cần ăn mặc kín đáo, giản dị, không được ăn mặc hở hang, lòe loẹt. Du khách cũng phải nói năng nhẹ nhàng, lễ độ, tránh nói tục chửi bậy trong đền.
Khi dâng lễ nên Ông, du khách chỉ nên cầu mong mong những điều thực tế, chính đáng. Đầu tiên nên cầu bình an và sức khỏe cho cả gia đình. Sau đó mới nên cầu công danh, cầu tài cầu lộc. Không nên cầu những điều phi thực tế như không làm mà cũng có ăn, và tuyệt đối không được phép cầu những điều trái với luân thường đạo lý như buôn lậu được trót lọt, lừa đảo được thành công,…
Lễ vật để dâng lên ông không nhất thiết phải xa hoa, mâm cao cỗ đầy. Tuy nhiên, lễ vật phải trang trọng, lịch sự để thể hiện lòng thành kính của bản thân với Quan Hoàng.
Theo đó, lễ vật dâng lên quan Hoàng Chín Cờn Môn tốt nhất cần có đủ những thứ sau:
Ngày nay, đền chính thờ Ông Hoàng Chín Cờn Môn được biết đến là đền Cờn Ngoài, thuộc địa phận phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Đền này cách Hà Nội khoảng 300km về phía Nam. Để đến được đây, du khách xuất phát từ Hà Nội có khá nhiều lựa chọn cách di chuyển. Du khách có thể đi ô tô dọc theo cao tốc Hà Nội – Ninh Bình và rẽ vào quốc lộ 1A, hoặc đi xe máy, ô tô dọc theo quốc lộ 1A hoàn toàn hoặc dọc theo đường Hồ Chí Minh chạy song song với Quốc Lộ 1A. Du khách cũng có thể sử dụng phương tiện tàu hỏa để đi tới đây. Hay thuận tiện nhất, du khách có thể di chuyển bằng máy bay từ sân bay Nội Bài tới sân bay Vinh, sau đó đi ô tô thêm khoảng 75km để tới đền Cờn.
LỜI KẾT: Trên đây là những kinh nghiệm đi lễ Ông Hoàng Chín xin được chia sẻ đến bạn. Chúc bạn và gia đình có một chuyến du xuân hành lễ về đền ông thuận lợi nhé.
Bình luận trên Facebook