03 điều cần biết về Lễ cúng tạ đất đầu năm

Bạn đã từng được nghe qua đôi lần về lễ tạ đất đầu năm. Tuy nhiên, bạn vẫn còn nhiều điều thắc mắc chưa hiểu hết về nghi lễ này. Ngày hôm nay, để giúp bạn có cái nhìn tổng thể nhất về lễ tạ đất đầu năm, bài viết này xin được cung cấp đến bạn một vài thông tin cơ bản nhất về nghi lễ này để qua đây bạn có thể tự lựa chọn cho gia đình mình một ngày tạ đất đầu năm đẹp nhất, cũng như chuẩn bị một mâm lễ cúng tạ đất đầu năm nhanh chóng và hoàn hảo nhất.

Ý nghĩa của lễ cúng tạ đất đầu năm là gì?

Cảm tạ thần linh đã phù hộ cho gia đình 

Theo quan niệm dân gian, trong mỗi gia đình đều tồn tại thần Thổ Công Thổ Địa và chính vị thần này là người cai quản tài lộc của gia đình, đồng thời bảo vệ gia đình đó khỏi sự quấy nhiễu của ma quỷ. Và trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, các gia đình lại thực hiện nghi lễ cúng tạ đất để cảm tạ những vị thần này đã ngày đêm không biết mệt mỏi vì sự bình yên của gia đình trong 1 năm qua.

Thông qua lễ tạ đất đầu năm này, con cháu trong gia đình cũng dâng lên ông bà tổ tiên những món ăn ngon nhất để cảm tạ công ơn sinh thành, dưỡng dục của thế hệ đi trước, cũng như thể hiện lòng biết ơn vì ông bà tổ tiên đã phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp nhiều may mắn trong suốt một năm đã qua.

Đây cũng được cho là ý nghĩa quan trọng nhất của nghi lễ này, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của người Việt và là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh cần được duy trì và truyền dạy lại cho thế hệ sau.

Cầu mong những điều tốt đẹp sẽ tiếp tục trong năm mới 

Mỗi một nghi lễ tâm linh của người Việt đều dùng điều cầu mong những điều tốt đẹp hơn sẽ đến và lễ tạ đắt cũng có ý nghĩa như vậy. Thông qua nghi lễ này, các gia đình đều cầu mong sẽ tiếp tục được thần Thổ Địa phù hộ độ trì cho gặp nhiều may mắn lớn hơn trong năm mới. Quan trọng hơn, nghi lễ này được thực hiện trước khi Táo Quân về chầu trời, với mục đích cầu mong ba vị Táo Quân sẽ báo cáo lại với Ngọc Hoàng những việc thiện mà gia đình mình đã thực hiện được trong một năm qua một cách đầy đủ nhất, qua đó được Ngọc Hoàng ban phát nhiều tài lộc nhất.

Theo đó, các gia đình thường sẽ cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, đất đai được tươi tốt để công việc trồng cấy hay làm ăn buôn bán gặp nhiều thuận lợi, may mắn, phát tài. Cũng có nhiều người cầu mong con đường công danh sự nghiệp được thăng tiến. Bên cạnh đó, thông qua nghi lễ tạ đất đầu năm, người ta còn cầu khấn cho cả gia đình trong năm mới có sức khỏe tốt, ít ốm đau bệnh tật và cuộc sống được bình yên, hạnh phúc, không gặp phải sóng gió bất ổn.

Xua đuổi tà ma 

Bên cạnh đó, khi thực hiện nghi lễ tạ đất đầu năm, người ta còn momg muốn rằng, thần Thổ Địa sẽ hiển linh, qua đó trấn áp, xua đuổi một số ma quỷ đang xuất hiện trong gia đình, khiến chúng sợ hãi và không dám quấy nhiễu gia đình đó trong năm mới.

Cũng xuất phát từ lý do này mà trong lễ cúng này, người ta thường chuẩn bị thêm một mâm cúng chúng sinh bên cạnh mâm cúng thần linh để an ủi, tiễn đưa những vong hồn không được siêu thoát, tránh việc những vong hồn này ở lại trong gia đình mình vào năm mới gây nên những chuyện không may mắn.

Cúng tạ đất vào ngày nào tốt? 

Khi nhắc đến lễ tạ đất đầu năm, chắc hẳn không ít người sẽ cho rằng, nghi lễ này được tiến hành vào những ngày đầu của năm mới. Tuy nhiên, thực tế, lễ tạ đất đầu năm lại được tiến hành vào cuối năm.

Cụ thể, thời gian tổ chức nghi lễ này trong khoảng từ sau rằm tháng Chạp đến trước ngày ông Công ông Táo về chầu trời, tức là trước ngày 23 tháng Chạp. Theo đó, các gia đình có thể lựa chọn bất kỳ ngày nào trong khoảng thời gian trên để cúng tạ đất. Tuy nhiên, để đảm bảo nghi lễ được diễn ra thuận lợi nhất, gia đình nên tham khảo để chọn ra ngày tốt và tránh những ngày xấu.

Lễ cúng tạ đất gồm những gì? 

Việc chuẩn bị lễ vật cúng tạ đất không yêu cầu quá cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy mà yêu cầu quan trọng nhất là con người phải thành tâm, thành kính. Tuy nhiên, mâm lễ vẫn nên gồm tối thiểu những vật phẩm sau đây để đảm bảo sự sang trọng và lịch sự :

Hoa tươi. Có thể lựa chọn hoa hồng hoặc hoa cúc, hoa lay ơn hoặc những loại hoa nào có ý nghĩa tốt, hình thức đẹp và mùi thơm dịu nhẹ. Bên cạnh đó, gia chủ nên chú ý không sử dụng những loại hoa dại, hoa đã héo úa và tuyệt đối không nên sử dụng hoa giả, hoa đã dùng để thực hiện một nghi lễ cúng bái trước đó.

Quả tươi: nên sử dụng những loại quả tròn trịa, mang ý nghĩa tốt đẹp và có màu sắc bắt mắt như cam, quýt, xoài, lê, táo, ổi. Không nên sử dụng những loại quả có mùi khó chịu, có hình dáng xấu xí, nhiều gai nhọn như mít hay sầu riêng. Đặc biệt, không được phép sử dụng những loại quả đã chín quá hoặc thối, quả dập hay quả giả không ăn được.

Mâm lễ mặn, do gia chủ chuẩn bị tùy tâm theo điều kiện của gia đình. Trong đó, mâm lễ này nên có:

  • Một bộ tam sên, bao gồm 1 khổ thịt lợn luộc, 1 quả trứng luộc, 1 con tôm luộc tượng trưng cho Thiên – Địa – Thủy.
  • Một con gà luộc. Gà luộc nên để cả con và có thể ngậm bông hoa hồng trong miệng. Trường hợp gia chủ có điều kiện hơn có thể chuẩn bị một chiếc thủ lơn luộc để thay thế.
  • Một đĩa heo quay.
  • Giò lụa, chả quế.
  • Một vài món xào.
  • 1 đến 2 món canh.
  • Xôi, tốt nhất nên sử dụng xôi gấc hoặc xôi đỗ xanh, không nên sử dụng xôi ngô hoặc xôi đỗ đen.
  • Ngoài ra, trong mâm lễ cúng cần có thêm trà, thuốc lá, rượu trắng, oản, trầu cau và bánh kẹo.

Bên cạnh đó, gia chủ cũng nên chuẩn bị đầy đủ hương, đèn cầy và đặc biệt là 5 con ngựa, 5 bộ quần áo, cờ lệnh đủ các màu xanh, đỏ, trắng, vàng, tím và vàng mã đi kèm.

Nếu gia chủ có điều kiện hơn, có thể chuẩn bị thêm một mâm cứng chúng sinh đơn giản. Mâm cúng này bao gồm cháo hoa, gạo, muối, tiền lẻ, oản, bỏng gạo nhiều màu sắc và một ít bánh kẹo.

Đối với những gia đình theo đạo Phật, ăn chay kiêng đồ mặn, có thể chuẩn bị mâm cúng tạ đất đầu năm gồm những vật phẩm như: 

  • Xôi.
  • Oản.
  • Bánh bao chay.
  • Một vài món ăn chay như canh rau, đậu phụ,…
  • Chè, thuốc lá và bánh kẹo.
  • Hoa quả tươi.

Ngoài ra, khi chuẩn bị cho lễ tạ đất đầu năm, gia chủ cũng nên chuẩn bị trước bài văn khấn tạ đất. Bài văn khấn này khá dễ tìm và gia chủ có thể tham khảo trong tuyển tập văn khấn cổ truyền Việt Nam. Đối với những gia đình theo đạo Phật, khi cúng tạ đất đầu năm, có thể sử dụng kinh Địa Tạng để niệm thay thế bài văn khấn.

 

LỜI KẾT: Trên đây là một vài điều cơ bản mà bạn cần biết trước khi chuẩn bị thực hiện nghi lễ tạ đất đầu năm cho gia đình. Hy vọng rằng thông qua bài viết, bạn sẽ có đủ kinh nghiệm để chuẩn bị và tiến hành một lễ tạ đất đầu năm đơn giản và đúng quy trình nhất, qua đó đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia đình mình trong năm mới này. Chúc bạn có một lễ tạ đất đầu năm thành công và một năm mới vạn sự như ý.

 

Bình luận trên Facebook