239 lượt xem
Đối với mỗi người con nước Việt, Tết là một cái gì đó rất thiêng liêng, được người người, nhà nhà háo hức, mong chờ. Trong những ngày này, người ta thường làm những mâm cỗ ngon nhất, thịnh soạn nhất để kính dâng lên ông bà tổ tiên cùng với các đấng thần linh.
Chúng ta không thể không kể đến mâm cỗ cúng giao thừa – mâm cỗ đặc biệt nhất trong ngày Tết – mâm cỗ cuối cùng của năm cũ và cũng đồng thời là mâm cỗ đầu tiên của năm mới. Cỗ cúng giao thừa thì ai cũng đã từng được nghe, được thấy, nhưng những mâm cỗ này có ý nghĩa gì, chuẩn bị chúng như thế nào, cúng ra làm sao thì không phải ai cũng tường tận.
Và để các bạn hiểu rõ hơn về nét đẹp này trong truyền thống văn minh của người Việt, sau đây xin mời các bạn cùng đi tìm hiểu đôi điều về lễ cúng giao thừa.
+ Theo quan niệm của người Việt, thời khắc giao thừa là thời khắc chuyển giao quyền cai quản hạ giới của các vị quan Hành binh, Hành khiển và Phán quan. Các vị quan cũ sẽ về trời nhận nhiệm vụ mới sau một năm hết lòng hết sức vì sự bình yên của con dân hạ giới.
Đồng thời, các vị quan mới sẽ được thiên giới điều xuống tiếp quản công việc trong mới với nhiều thử thách mới. Trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng ấy, nhà nhà, người người dâng lên các vị quan thần này những mâm cơm cúng với lòng thành kính nhất để cảm tạ các ngài đã cho hạ giới một năm mưa thuận gió hòa, đồng thời cầu mong cho một năm mới sắp đến bình an và hạnh phúc hơn năm cũ.
+ Theo truyền thuyết Táo Quân, giây phút giao thừa, ba vị Táo Quân sẽ hạ phàm sau khi báo cáo với Ngọc Hoàng về tình hình một năm vừa qua, đồng thời mang theo những may mắn ban phát cho con dân hạ giới trong năm mới.
Vì thế mà người ta còn quan niệm lê cúng giao thừa là lễ nghênh đón đức Táo trở về, cũng đồng nghĩa với việc nghênh đón nhiều phúc lộc mà Ngọc Hoàng đã ban phát cho họ trong năm mới.
+ Thời khắc giao thừa cũng là thời khắc chuyển giao giữa mùa đông lạnh giá và mùa xuân ấm áp. Trong thời khắc ngày, người ta dâng lên trời đất những mâm cơm thịnh soạn nhất để tiễn biệt những điều không may mắn trong năm cũ, cầu mong mùa đông qua đi sẽ mang theo những xui xẻo không vui của một năm đã qua và mùa xuân đang đến sẽ mang theo nguồn sống mới ấm áp hơn.
+ Lễ cúng giao thừa còn có tên khác là lễ trừ tịch. Thông qua mâm cơm cúng, người ta xua đuổi những ma quỷ đã và đang quấy nhiễu sự bình an và hạnh phúc của gia đình, để ngày đầu năm mới sắp đến không còn ma quỷ quấy phá, qua đó có một năm mới may mắn hơn.
+ Giây phút giao thừa trong tâm thức của người dân Việt còn là giây phút đoàn viên. Bên cạnh những thành viên trong gia đình đang quây quần bên nhau, người ta còn mong mỏi ông bà tổ tiên và những người thân đã khuất có thể về đoàn tụ cùng gia đình. Và mâm cơm cúng giao thừa chính là lời mời ông bà tổ tiên về ăn Tết với gia đình ấy.
+ Không chỉ có vậy, mâm cơm cúng giao thừa còn là một nét đẹp trong tinh thần tương thân tương ái của người Việt, thể hiện nét đẹp nhân văn trong tâm hồn người dân Việt. Thông thường, như ta đã biết, ngoài mâm cơm cúng trên bàn thờ, người ta còn sửa soạn những mâm cơm cúng chúng sinh ngoài trời đơn giản hơn.
Thông qua mâm cơm cúng này, người ta muốn chia sẻ hơi ấm tình người với những vong linh không siêu thoát, vất vưởng không nơi lương tựa, giúp họ có được đôi chút cảm giác đoàn viên của ngày Tết Cổ truyền, để những vong linh này không bị đói khát trong ba ngày Tết.
Lễ cúng giao thừa không yêu cầu quá cầu kỳ và cao sang, mà tùy theo điều kiện, hoàn cảnh từng nhà, từng vùng miền, có thể sửa soạn mâm cơm cúng sao cho hợp lý nhất. Tuy nhiên, một mâm lễ cúng giao thừa thường bao gồm những vật phẩm sau:
+ Quan trọng nhất của mâm cơm cúng là lễ xôi gà. Xôi có thể chuẩn bị xôi đỗ xanh hoặc xôi gấc. Đặc biệt là gà sử dụng trên mâm cơm cúng phải là gà trống mà không nên sử dụng gà mái.
Theo quan niệm của người Việt, gà trống được coi là khắc tinh của ma quỷ, đồng thời là linh vật duy nhất trên thế gian có thể đánh thức mặt trời. Người ta cho rằng con gà trống trên mâm cơm cúng có thể xua đuổi ma quỷ đang quấy nhiễu căn nhà, đồng thời đánh thức mặt trời, xua tan đi màn đêm tối tăm của ngày 30 Tết.
Trong trường hợp không có gà trống, người ta có thể thay thế bằng thủ lợn luộc. Tuy nhiên, điều bắt buộc ở đây là dù gà trống hay thủ lợn, thì cũng đều phải ngậm bông hoa hồng. Người ta cho rằng bông hoa hồng đỏ này chính là mặt trời rực rỡ của năm mới, đồng thời màu đỏ của cánh hoa sẽ mang lại may mắn cho cả gia đình.
+ Ngoài lễ xôi gà là trung tâm, trong mâm cơm cúng giao thừa cũng nên có đủ bánh chưng, kẹo, mứt, mâm trầu cau cùng với hoa quả và vàng mã. Những vật phẩm này cần tươi ngon, lành lặn và tránh những vật phẩm có hình dạng không đẹp, có mùi khó chịu. Đặc biệt, đây phải là những vật phẩm thật, không được phép sử dụng những vật phẩm giả trong mâm cơm cúng.
+ Cùng với đó là rượu và vàng mã, quần áo giấy để dâng lên các vị thần.
+ Ngoài ra, chúng ta cũng nên chuẩn bị thêm hũ muối và gạo. Hũ muối gạo này được dùng để trừ tà, xua đuổi ma quỷ và các luồng âm khí xấu xa, tà ác.
+ Ngoài những vật phẩm trên mâm cơm cúng, các bạn cũng cần phải lưu ý chuẩn bị kỹ lưỡng bài văn khấn cúng giao thừa. Bài văn khấn này có thể tham khảo trong cuốn tuyển tập văn khấn cổ truyền Việt Nam.
Gia đình cần chuẩn bị 2 mâm cơm cúng như trên một cúng trong nhà và một cúng ngoài trời. Mâm cúng ngoài trời không bắt buộc phải có lễ xôi gà mà chỉ cần các đồ ăn thức uống đơn giản.
Lễ cúng giao thừa không yêu cầu những nghi thức tâm linh khó thực hiện, mà quan trọng nhất của lễ cúng này là sự thành tâm của gia đình.
Bắt đầu lễ cúng, sẽ là mâm cơm cúng giao thừa ờ ngoài trời. Mâm cơm cúng này mang ý nghĩa “ tống cựu” tức là tiễn cái cũ đi. Mâm cơm cúng ngoài trời dùng để tiễn biệt những thiên binh thiên tướng đã hết nhiệm vụ và trở về trời. Do ra đj quá vội vàng nên họ không còn thời gian ghé vào trong nhà, và những vật phẩm trên mâm cơm cúng này sẽ được họ mang đi để sử dụng trên đường về trời. Theo đó, nghi thức cúng ngoài trời được thực hiện như sau:
Bày án hương và đèn nến lên bàn thờ đã chuẩn bị. Điều lưu ý ở đây là bàn thờ này được lập ngoài trời nhưng vẫn phải trên phạm vi đất của gia đình, không được lập ở ngoài đường hoặc đất của nhà người khác.
Các thành viên trong gia đình tiến hành bày biện mâm cơm cúng đã chuẩn bị từ trước, sau đó lên hương. Gia chủ chắp tay và đọc bài văn khấn đã chuẩn bị.
Tiếp theo của lễ cúng giao thừa là nghi thức cúng trong nhà để nghênh đón cái mới:
Các thành viên trong gia đình sẽ bày biện tất cả những gì đã chuẩn bị như lễ xôi gà, rượu thịt và vàng mã,…lên bàn thờ tổ tiên và lên hương, dâng nước. Gia chủ ăn mặc chỉnh tề đứng trước bàn thờ đọc bài văn khấn một cách thành tâm.
LỜI KẾT: Đó là tất cả những gì bạn cần biết về một lễ cúng giao thừa truyền thống của người Việt. Chúc bạn có một thời khắc giao thừa thật bình an và đầm ấm bên gia đình cũng như có một cái Tết thật vui, thật ý nghĩa và một năm mới tràn đầy may mắn, hạnh phúc.
Bình luận trên Facebook