Truyền thuyết về Mẫu Cửu Trùng Thiên – Cách dâng lễ và đền thờ 

Chắc hẳn trong cuộc sống, bạn đã từng được nghe vài đôi lần về Mẫu Cửu Trùng Thiên và hiểu được sự linh thiêng, quyền uy của Mẫu. Trong dịp năm mới sắp tới, bạn đang có dự định đi lễ đền Mẫu để cầu may mắn và bình an.

Tuy nhiên, dâng lễ ra sao cho đúng lễ nghi thì bạn lại không nắm rõ. Đền thờ Mẫu ở đâu bạn cũng chưa được tường tận. Vì thế, hôm nay, để giúp bạn hiểu rõ những vấn đề trên, bài viết xin được cùng bạn đi tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất của vị Thánh Mẫu này trong đạo Mẫu.

Sự tích về Mẫu Cửu Trùng Thiên là ai?

+ Mẫu Cửu Trùng Thiên, trong đạo Mẫu là một vị Thánh Mẫu đặc biệt, Bà thuộc Tứ Phủ Vạn Linh nhưng không nằm trong Tam Phủ Thánh Mẫu. Trong thực tế, Mẫu còn được gọi với nhiều tên gọi khác như Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, Mẫu Thượng Thiên, Thiên Thanh Công Chúa, Cửu Trùng Thánh Mẫu, Lục Cung Vương Mẫu, Thanh Vân Công Chúa, Mão Dậu Công Chúa, Bán Thiên Công Chúa,….

+ Trong văn hóa tâm linh, người Việt tin rằng Mẫu ngự trên chín tầng trời, cai quản tam cung lục viện của thiên đình. Mẫu được cho là có quyền năng tối thượng, có thể hô mưa gọi gió, điều khiển nhật nguyệt tinh tú.

Tuy nhiên, cho đến nay, những thần tích của Mẫu tại hạ giới vẫn còn là một bí ẩn. Có một số thần tích về Bà được kể lại, nhưng chỉ là chung chung, khó chứng thực. Việc Mẫu hóa thân vào nhân vật nào trong lịch sử cũng không thấy nhắc đến hoặc là thực tế, Mẫu không hóa thân thành nhân vật nào nơi trần thế.

+ Có người cho rằng, Mẫu Cửu Trùng Thiên chính là Cửu Thiên Huyền Nữ trong văn hóa Trung Hoa. Tuy vậy, quan điểm này không có căn cứ xác thực cụ thể và đến nay vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Cùng có nhiều người cho rằng, Mẫu Cửu Trùng Thiên là Mẫu Liễu Hạnh.

Tuy nhiên, quan điểm này là sai lầm, gây ra những nhận thức lệch lạc cho một bộ phận không nhỏ những tín đồ của đạo Mẫu. Trong thực tế, Mẫu Liễu Hạnh được gọi là Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên còn Mẫu Cửu Trùng Thiên là Mẫu Đệ Nhất Tiên Thiên và sự nhầm lẫn của nhiều người như trên là do tên gọi khác giống nhau của 2 Mẫu.

+ Sự tích về Mẫu cũng không được kể lại nhiều. Trong một số sách cổ có ghi lại một vài câu chuyện nhỏ về Mẫu Cửu Trùng Thiên giúp dân tại hạ giới. Sách này có ghi rằng, Mẫu Cửu Trùng Thiên từng giúp người Việt cổ đánh bại giặc Vu Xuy ở phương Bắc, từ đó giúp thiên hạ được thái bình, dân chúng có thể an cư lạc nghiệp. Sau này, Mẫu cũng là người dạy dân cách trị thủy, trồng trọt và chăn nuôi.

+ Trong khi đó, các sự tích dân gian không xuất hiện sự tích nào về Bà nhưng lại có một sự tích khá nổi tiếng liên quan đến ngôi đền thờ Bà. Chuyện kể lại rằng, có một ông lão nọ làm nghề bán hàng rong, tuy nhiên hàng của ông thường xuyên ế ẩm. Một ngày, ông lão đi qua sông bán hàng và vớt được một bức tượng. Ông bèn vớt lên và cột vào bên bờ sông.

Ngày hôm đó ông bán rất đắt hàng. Lúc về qua khúc sông này, ông vớt bức tượng lên và có ý định mang về nhà. Tuy nhiên, khi đi qua khu đất mà sau này trở thành đền thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên bức tượng trở nên vô cùng nặng, không thể mang đi được nữa.

Ông lão bèn đặt bức tượng lại và hàng ngày thờ cúng. Sau đó, ông lão làm ăn ngày càng khấm khá hơn. Nhiều người nghe kể lại cũng đến bái tế và làm ăn buôn bán từ đó cũng tốt hơn trước rất nhiều. Về sau, người ta xây dựng lên trên mảnh đất đó một ngôi đền và thờ phụng Mẫu Cửu Trùng Thiên tại đó.

Hướng dẫn Dâng lễ Mẫu Cửu Trùng Thiên thế nào?

Chọn ngày dâng lễ Mẫu

Mẫu Cửu Trùng Thiên thường ít khi hiển linh, vì thế mà việc chọn ngày lễ Mẫu là vô cùng quan trọng. Thông thường, người ta hay dâng lễ lên Mẫu vào ngày Rằm, mồng Một đầu tháng hoặc những ngày Tết Cổ truyền của dân tộc. Đây là những ngày linh thiêng nhất trong tháng, trong năm. Vì thế mà dâng lễ Mẫu vào những ngày này sẽ linh ứng hơn.

Mua sắm lễ vật dâng lễ Mẫu

Lễ vật dâng lên Mẫu trước tiên cần đảm bảo tính lịch sự và trang trọng. Tuy không cần mâm cao cỗ đầy, đủ sơn hào hải vị nhưng đã là đồ ăn thức uống để dâng lên Mẫu thì nhất thiết phải là đồ tươi ngon, chưa qua sử dụng. Tuyệt đối không được dùng đồ ăn thức uống giả hoặc đồ ôi thiu.

Thêm nữa, lễ vật dâng lên Mẫu Cửu Trùng Thiên tuy không cần cao sang, nhưng tốt nhất nên đầy đủ những vật phẩm sau:

  • Hoa tươi và mâm ngũ quả tươi.
  • Trầu cau. Để đảm bảo cơi trầu được đẹp mắt và lịch sự nhất, tốt nhất nên sử dụng trầu têm cánh phượng.
  • Mâm lễ mặn, bao gồm xôi đỗ hoặc xôi gấc, gà luộc hoặc một khổ thịt luộc kèm theo một cút rượu trắng.
  • Mâm tiền vàng và lá sớ.
  • Chè thuốc và một đĩa oản đỏ.
  • Và thêm bài văn khấn dâng lễ Mẫu.

Lưu ý khi dâng lễ Mẫu

+ Tại các đền thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, thông thường sẽ có một bức tượng Mẫu được đặt ngoài trời ở trước cửa chính của đền hoặc trên núi cao phía sau đền. Bức tượng này là đại diện cho Mẫu, linh thiêng hơn bất cứ bức tượng nào trong đền.

Vì thế mà khi dâng lễ ở đền thờ Mẫu, du khách cần thắp hương và triều bái bức tượng Mẫu này trước tiên, sau đó mới dâng lễ tại những bức tượng khác trong đền.

+ Khi lễ đền Mẫu, du khách cần giữ thái độ trang nghiêm, thành kính và lịch sự. Chỉ có thành tâm, thành kính và cư xử đúng mực trong đền, lời cầu khấn của bạn mới có thể linh ứng. Nếu có thái độ bất kính và không thành tâm, có thể bạn sẽ bị Mẫu trừng phạt.

+ Khi đi lễ đền thờ Mẫu, du khách có thể cầu khấn nhiều điều như sức khỏe, công danh sự nghiệp, tài lộc hay đơn giản là cầu mong có được cuộc sống bình an, thanh thản. Tuy nhiên, dù cầu khấn bất cứ điều gì, du khách cũng không nên quá tham lam, cầu khấn những điều phi thực tế. Đặc biệt, du khách tuyệt đối không được cầu những điều trái với luân thường đạo lý, trái pháp luật, vi phạm đạo đức.

+ Bên cạnh đó, du khách cũng nên chú ý tới cách ăn mặc sao cho kín đáo, đứng đắn, chú ý lời ăn tiếng nói sao cho lịch sự, không pháp ngôn tục tĩu và chú ý giữ vệ sinh trong đền.

Vị trí Đền thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên ở đâu? 

Theo các điển tích, xưa kia có khá nhiều đền thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên. Tuy nhiên, từ thế kỷ XV, khi Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện, Mẫu Cửu Trùng Thiên ít được thờ phụng hơn do nhiều người vẫn mơ hồ, nhầm lẫn giữa 2 vị Thánh Mẫu này, và dần dần, tại nhiều đền Mẫu Cửu Trùng Thiên được hiểu là Mẫu Liễu Hạnh. Cũng từ đó, nhiều đền từng thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên cũng chuyển sang thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Đến nay, chỉ còn số ít đền thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên. Trong số này, có thể kể đến là các đền sau:

  1. Đền Bằng Sở, tọa lạc tại thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đền này cách nội thành Hà Nội khoảng 20km và du khách có thể đi xe máy hoặc ô tô tới đây thông qua tuyến Quốc Lộ 1A.
  2. Đền Thượng, tại khu du lịch Vườn Quốc gia Ba Vì – Hà Nội. Đền này cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây. Du khách có thể đi xe máy hoặc ô tô tới đây thông qua tuyến quốc lộ 32.
  3. Đền Cô Chín Sòng Sơn – Thánh Hóa. Đền này thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên trong cung cấm. Đền cách Hà Nội khoảng 200km về phía Nam. Bên cạnh đó, đền Rồng – Thanh Hóa cũng có thờ phụng Mẫu Cửu Trùng Thiên.

LỜI KẾT: Trên đây là một số kinh nghiệm dâng lễ Mẫu Cửu Trùng Thiên  và những thông tin quan trọng cần biết về Mẫu dành đến bạn. Chúc bạn có một chuyến du xuân thuận lợi  cùng với những người thân nhé.

 

Bình luận trên Facebook