Cúng cô hồn tháng bảy thế nào cho đúng 

Tháng bảy, hay còn gọi là tháng cô hồn, là một tháng vô cùng đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt. Người ta quan niệm đây là tháng gắn liền với cõi âm, với người đã khuất và với ma quỷ.

Vì thế mà hoạt động cúng bái tâm linh cũng diễn ra mạnh trong tháng này nhằm cầu mong may mắn và xua đuổi ma quỷ xấu xa tránh xa khỏi cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên, cúng cô hồn tháng bảy thế nào cho đúng lại không phải là điều mà ai cũng biết hết được.

Hôm nay bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn đọc những thông tin cần thiết nhất của một lễ cúng rằm tháng bảy, để tháng cô hồn của bất kỳ ai không còn là tháng xui xẻo nữa mà sẽ là một tháng may mắn và bình yên trong năm.

Ý nghĩa của lễ cúng rằm tháng bảy âm lịch là gì?

Từ xưa đến nay, các cụ ta thường truyền tai nhau câu nói, cúng cả năm không bằng cúng rằm tháng bảy. Nói thế để thấy rằm tháng bảy có ý nghĩa quan trọng thế nào trong đời sống tâm linh của người Việt và lễ cúng vào ngày này đặc biệt như thế nào.

Sự tích của ngày rằm tháng bảy 

Theo truyền thuyết được Phật giáo kể lại, ngày rằm tháng bảy là ngày mà Mục Kiền Liên, một đệ tử của Phật môn cứu thoát mẹ mình ra khỏi địa ngục, vì thế mà ngoài tên là rằm tháng bảy, ngày này còn được gọi là lễ vu lan báo hiếu.

Theo một truyền thuyết khác, ngày 15 tháng bảy là ngày Đường Tam Tạng từ Tây Trúc thỉnh kinh trở về, phổ độ chúng sinh và từ đó xóa tội cho nhiều vong hồn đang bị giam giữ trong 18 tầng của địa ngục. Từ đó, người ta quan niệm rằng, ngày rằm tháng bảy là ngày mà nhiều vong hồn, trong đó không thiếu ma đói quỷ khát trở lại nhân gian.

Cũng từ những truyền thuyết trên, ngày rằm tháng bảy trở thành một ngày linh thiêng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt:

Rằm tháng bảy là ngày báo hiếu cha mẹ 

Từ câu chuyện của đệ tử Phật môn Mục Kiền Liên, ngày rằm tháng bảy được lấy làm ngày báo hiếu cha mẹ.

Theo tục lệ, vào ngày này, những ai còn mẹ sẽ cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ để thể hiện niềm hạnh phúc vô bờ bến khi mà người mẹ kính yêu của mình vẫn còn trên thế gian, vẫn còn có thể dõi theo ta từng bước đi trong cuộc sống. Trong dịp này, người ta cũng dành cho cha mẹ mình những món quà ý nghĩa nhất cùng với lời cảm ơn, tri ân sâu sắc nhất tới người đã thân sinh ra bản thân mình, dưỡng dục mình để bản thân có được hạnh phúc như ngày hôm nay.

Trong khi đó, những ai đã không may mắn mất đi người mẹ kính yêu sẽ đeo lên ngực bông hồng trắng để thể hiện niềm thương tiếc vô hạn. Ngày này, người ta cũng làm những mâm cơm cúng thịnh soạn nhất dâng lên ông bà tổ tiên, như một lời cảm tạ công sinh thành, dưỡng dục của những thế hệ đi trước.

Rằm tháng bảy là ngày Đức Phật phổ độ chúng sinh 

Như đã nói ở trên, ngày rằm tháng bảy là ngày mà Đường Tăng lấy được kinh Phật đại thừa từ thánh địa của Phật giáo và trở về bình an, qua đó phổ độ chúng sinh, vì thế mà ngày này chính là ngày Đức Phật gần với thế gian nhất, đồng thời cũng là ngày mà rất nhiều những linh hồn bị giam cầm trong 18 tầng địa ngục được trả tự do, quay về dương thế.

Vì thế mà trong ngày này, hầu như tất cả gia đình người Việt đều đi lễ chùa, làm những mâm cơm chay dâng lên bàn thờ Phật trong gia đình và cúng chúng sinh nhằm mục đích :

Thỉnh cầu Đức Phật linh thiêng sẽ phù hộ độ trì cho gia đình mình có được sự bình yên trong cuộc sống, mọi thành viên trong gia đình đều có sức khỏe dồi dào, có được trạng thái tinh thần làm việc tốt nhất và đặc biệt là cầu được Đức Phật cứu vớt khỏi tham, sân, si, để có cõi lòng bình an, thanh tịnh, sống cao đẹp, vô lo vô nghĩ.

Rằm tháng bảy cũng là dịp để người ta cúng trừ tà, xua đuổi những ma quỷ, âm khí không tốt lành đang quấy nhiễu sự bình yên và hạnh phúc của gia đình, từ đó tránh cho gia đình khỏi mất mát, ốm đau và bệnh tật.

Một ý nghĩa nhân văn cao đẹp nữa được thể hiện trong ngày rằm tháng bảy, đó là lòng yêu thương con người, tương thân tương ái. Theo truyền thuyết, đây là ngày rất nhiều ma đói, quỷ khát thoát khỏi địa ngục, trở về nhân gian. Trong số đó, không ít những vong hồn bơ vơ, không nơi nương tựa.

Vì thế mà ngoài việc cúng bái trên bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật, rất nhiều gia đình còn làm lễ cúng chúng sinh, ban phát cho những vong hồn đói khát không tìm được đường về với gia đình một chút cháo hoa, một bộ quần áo đơn giản và một miếng nước uống để bớt đi sự cô đơn, đói khát và rách rưới trong cái ngày mà đáng lẽ ra họ nên được đoàn tụ cùng với gia đình.

Cách cúng rằm tháng bảy theo đúng phong tục

Chọn ngày cúng tháng cô hồn

Theo phong tục của người Việt, cúng rằm tháng bảy nên chọn ngày trước 15/7, có thể là bất kỳ ngày nào trong khoảng từ mồng 2 đến 14 tháng bảy.

Các nhà tâm linh khuyên không nên cúng rằm tháng bảy vào sau 12 giờ trưa ngày 15/7 âm lịch, vì đây là thời điểm mà nhiều vong hồn tội nghiệt sâu nặng, hung hãn và xấu xa trở về, vì thế mà cúng vào thời điểm này, vong linh ông bà tổ tiên sẽ không thể trở về đoàn tụ với gia đình được để rồi là trở thành ma đói quỷ khát, không chốn dung thân.

Mâm lễ cúng rằm tháng bảy âm lịch

Một lễ cúng ngày rằm tháng bảy đầy đủ nhất sẽ gồm ba mâm lễ, trong đó có một mâm cúng chay, một mâm rượu thịt và một mâm khác đơn giản hơn để cúng chúng sinh:

Mâm cúng chay được dùng để dâng lên bàn thờ Phật. Mâm cúng này cần chuẩn bị những vật phẩm sau: 

  • Hoa tươi, tốt nhất là nên chọn hoa cúc và hoa sen, là những loại hoa gần gũi với nhà Phật nhất.
  • Quả tươi
  • Một đĩa xôi đỗ
  • Một đĩa oản đỏ
  • Hương thơm
  • Trà ngon
  • Mâm rượu thịt được dùng để cúng trên bàn thờ tổ tiên. Mâm này gồm những vật phẩm sau:
  • Xôi đỗ hoặc bánh chưng
  • Gà luộc hoặc thịt lợn luộc
  • Cơm trắng
  • Một đến hai món canh
  • Vài món xào
  • Rượu trắng

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ hoa quả tươi, đèn nến và đặc biệt là không được phép quên mâm tiền vàng. Mâm này có thể bao gồm tiền, vàng hương, các loại ngựa giấy, quần áo và giày dép bằng giấy, thậm chí là cả nhà, xe máy, ô tô hay điện thoại bằng giấy. Mâm vàng mã này sẽ được hóa khi hết hương để ông bà tổ tiên sử dụng ở thế giới bên kia.

Mâm cúng thứ ba, có thể coi là mâm cúng phụ, dùng để cúng chúng sinh. Mâm lễ này được cúng ngoài trời, bao gồm : 

  • Đĩa muối gạo. Đĩa này sẽ được rắc ra ngoài đường sau khi cúng xong
  • 12 chén cháo trắng nhỏ hoặc có thể là cháo đường.
  • Một đĩa quả gồm 5 loại quả
  • Các loại bỏng ngô, bỏng gạo hay oản nhỏ.
  • Một ít bánh kẹo.
  • Quần áo chúng sinh có nhiều màu sắc.
  • Tiền lẻ và vàng mã.

Ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, nhiều gia đình còn sắm những lễ cúng chúng sinh thịnh soạn hơn, thậm chí là có cả con lợn quay, gà luộc, xôi đỗ, và sau khi cúng xong, mâm lễ này sẽ được đem chia cho người qua đường hay hàng xóm, láng giềng.

 

LỜI KẾT: Đó là một số những điều cần biết về ngày rằm tháng bảy, một ngày rằm linh thiêng nhất trong năm. Đừng quên chuẩn bị những mâm cơm cúng vào ngày này để được phù hộ độ trì những điều may mắn nhất và cũng là để xua đi những vận hạn của năm.

Bình luận trên Facebook