[Tìm hiểu] Thánh Mẫu Liễu Hạnh: Truyền thuyết – Dâng Lễ và Đền Mẫu ở đâu? 

Nhắc đến tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa tâm linh của người Việt, chắc trong chúng ta sẽ nhiều người nghĩ về Mẫu Liễu Hạnh đầu tiên. Đây là vị Thánh Mẫu quyền năng và được biết đến rộng rãi nhất trong đạo Mẫu. Đây cũng là vị Thánh Mẫu vô cùng linh thiêng mà hàng vạn, hàng triệu người luôn luôn triều bái.

Vậy mẫu Liễu Hạnh là ai? Đi lễ đền Mẫu thế nào là đúng theo lễ nghi và đền thờ Mẫu hiện tại ở địa phương nào?…Sau đây, xin mời các bạn cùng đi tìm hiểu.

Sự tích Mẫu Liễu Hạnh là ai?

+ Là một vị Thánh Mẫu trong đạo Mẫu của người Việt. Mẫu xếp hàng thứ hai và được dân gian gọi với cái tên tôn kính là Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên. Bên cạnh đó, Mẫu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như Vân Hương Thánh Mẫu, Mã Hoàng Bồ Tát, Chế Thắng hòa Diệu Đại Vương, Thiên Tiên Thánh Mẫu,…

Trong mọi quan niệm của người Việt, Mẫu cùng với Đức Thánh Tản, Đức Thánh Chử và Đức Thánh Trần được phong là tứ Thánh bất tử, sống mãi trong lòng con dân và trường tồn cùng trời đất.

+ Theo sử sách có ghi lại, Mẫu Liễu Hạnh nhiều lần hiển linh, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán và đồng thời trừ gian diệt ác. Trong số rất nhiều những thần tích này, nổi bật nhất là sự tích 3 lần giáng trần đầu thai của bà:

Lần giáng trần thứ nhất từ năm 1434 – 1473 

+ Tương truyền, bà sinh vào ngày 6/3 âm lịch, trong một gia đình nông dân nghèo lương thiện ở thôn Vị Nhuế, xã Trần Xá, huyện Đại Yên, phủ Nghĩa Hưng, trấn Nam Sơn, tức là vùng Nghĩa Hưng – Nam Định ngày nay.

+ Trước đó, gia đình họ Phạm mà bà sẽ đầu thai vào là một cặp vợ chồng lương thiện, luôn hết lòng giúp đỡ những gia đình khó khăn hơn trong vùng. Tuy nhiên, tuổi đã cao mà hai vợ chồng vẫn chưa có con.

Thương xót trước cảnh ngộ đó của hai vợ chồng, cũng cảm động trước những công đức mà vợ chồng họ Phạm đã tu tích được trước đó, Ngọc Hoàng đã hạ lệnh cho công chúa thứ hai của ngài hạ phàm và đầu thai làm con nhà họ phạm. Vị công chúa ấy tên là Liễu Hạnh công chúa, hay nói cách khác chính là mẫu Liễu Hạnh sau này.

+ Vị Liễu Hạnh công chúa sống với vợ chồng họ Phạm 40 năm, tới năm 1473 thì vợ chồng nọ qua đời. Công chúa Liễu Hạnh được lệnh quay về thiên cung. Trước khi dời đi, bà du ngoạn khắp mọi miền nước Việt, ban phát phúc lộc, từ bi, cứu khổ cứu nạn cho muôn nhà, đồng thời trừ gian diệt ác. Để tưởng nhớ công ơn của bà, những nơi bà đi qua và giúp dân an cư lạc nghiệp người ta dựng đền và thờ phụng bà.

Lần giáng trần thứ 2 từ 1557 – 1577 

+ Sau khi về trời trong lần đầu thai vào nhà họ Phạm, Liễu Hạnh công chúa vẫn còn vương vấn nhiều điều ở cõi trần gian, trong lòng luôn không yên. Chính vì thế mà trong một lần tiệc bàn đào ở Linh Tiêu bảo điện, bà sơ ý làm vỡ chiếc chén ngọc lưu ly và Ngọc Hoàng yêu thích.

Ngọc Hoàng phật ý bèn trách tội, giáng bà xuống trần trong vòng 20 năm. Lần này, bà đầu thai vào nhà họ Lê tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Nam Sơn, tức là vùng Nghĩa Hưng, Nam Định ngày nay.

+ Trước đó, Thái bà họ Lê có nằm mộng được công chúa thứ hai của Ngọc Hoàng về nói rằng sẽ đầu thai vào làm con gái bà. Chín tháng sau, quả nhiên bà sinh được một bé gái vô cùng đáng yêu, xinh xắn. Bé gái ấy được đặt tên là Lê Thị Thắng, hiệu là Giáng Tiên.

Lớn lên, nàng Giáng Tiên kết duyên vợ chồng với Trần Đào Lang. Sau này, khi mãn hạn phạt từ vua cha Ngọc Hoàng, nàng phụng lệnh quay về thiên cung. Năm ấy nàng vừa tròn 21 tuổi.

Lần giáng trần thứ 3 năm 1579 

Về trời sau khi mãn hạn phạt, nhưng lòng công chúa Liễu Hạnh không được vui và thường xuyên nhớ đến những ngày tháng sinh sống ở hạ giới. Hiểu được nỗi lòng của con gái, vua cha Ngọc Hoàng lần này lại tiếp tục cho.bà giáng trần. Khi giáng trần, bà có về thăm quê hương Nghĩa Hưng – Nam Định 2 lần rồi sau đó chu du thiên hạ, cứu khổ cứu nạn giúp đời.

Tới năm 1609, bà đến vùng đất Nga Sơn – Thanh Hóa. Tại đây, bà đã kết duyên với một người bản địa được cho là kiếp sau của Trần Đào Lang. Một năm sau, tức là năm Canh Tuất 1610, bà được vua cha triệu về trời.

Các thần tích Mẫu Liễu Hạnh hiển linh về sau 

Sau 3 lần giáng trần đầu thai làm người, trong lòng công chúa Liễu Hạnh lại càng canh cánh không yên bởi những chuyện đau khổ, bất công chốn nhân gian. Sau này, bà cầu xin Ngọc Hoàng để tiếp tục được giáng trần và đã được vua cha chấp thuận.

Tuy nhiên, về sau này bà không đầu thai và nhà nào nữa mà hiển linh dưới hình hài thật của mình, là một vị tiên nữ. Đi theo bà còn có hai vị tiên hầu cận. Bà cùng hai vị tiên nữ đồng hành đã chu du nhiều nơi, và cũng nhiều lần hiển linh giúp đỡ những người gặp cảnh khó khăn và đang cầu khấn bà.

Hướng dẫn Dâng lễ Mẫu Liễu Hạnh 

Chọn ngày dâng lễ Mẫu

là một vị thánh linh thiêng bậc nhất trong hệ thống các vị Thánh Mẫu của đạo Mẫu. Vì vậy mà đi lễ Mẫu Liễu Hạnh ngày nào trong năm cũng rất dễ linh ứng. Tuy nhiên, để có hiệu quả tốt nhất, du khách nên chọn những ngày rằm, mồng Một đầu tháng hay những ngày đầu năm để dâng lễ Mẫu.

Đặc biệt, ngày 3/3 âm lịch hàng năm được biết đến là ngày tiệc Mẫu Liễu Hạnh. Trong ngày này, tất cả mọi đền thờ Mẫu đều tổ chức đại lễ và hầu đồng để thỉnh Mẫu hiển linh. Vì thế mà đi lễ Mẫu vào ngày này là tốt nhất.

Chọn lễ vật dâng lễ Mẫu

Lễ vật để dâng lên Mẫu không quan trọng ở số lượng đồ lễ mà cốt ở tấm lòng của người dâng lễ. Để được Mẫu phù hộ độ trì, người dâng lễ cần có thái độ thực sự thành tâm và thành kính khi chuẩn bị đồ lễ.

Lễ vật được chọn để dâng lên Mẫu Liễu Hạnh phải là những vật phẩm tươi ngon, không được ôi thiu hay đã qua sử dụng. Một mâm lễ đầy đủ dâng lên Mẫu cần chuẩn bị đầy đủ những vật phẩm sau:

  • Hoa tươi và một đĩa quả tươi.
  • Thịt luộc hoặc một con gà luộc kèm 1 đĩa xôi và rượu trắng.
  • Một cơi trầu.
  • Một mâm tiền vàng.
  • Một lá sớ.
  • Một đĩa oản đỏ.

Lưu ý khi dâng lễ Mẫu

Khi dâng lễ Mẫu Liễu Hạnh, yêu cầu du khách phải ăn mặc chỉnh tề, kín đáo và lịch sử để thể hiện lòng thành kính trước Mẫu. Bên cạnh đó cũng cần đặc biệt chú ý ăn nói sao cho lịch sự.

Khi cầu khấn Mẫu, chỉ nên cầu khấn sức khỏe và một phần tài lộc, công danh sự nghiệp. Không được phép cầu mong quá nhiều thể hiện sự tham lam của bản thân và tuyệt đối không được cầu khấn những điều trái với pháp luật, trái luân thường đạo lý.

Vị trí Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh ở đâu? 

Hiện nay, trên cả nước có rất nhiều đền thờ Mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, linh thiêng nhất vẫn là những đền, phủ sau:

Phủ Dầy

Phủ tọa lạc tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Phủ cách Hà Nội khoảng 80km về phía Nam và du khách có thể dễ dàng di chuyển tới đây bằng ôtô hoặc xe máy thông qua tuyến cao tốc Hà Nội – Ninh Bình hoặc Quốc Lộ 1A.

Đền Mẫu Đồng Đăng 

Đền tọa lạc tại Đồng Đăng, Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 150km về phía Bắc. Phủ Tây Hồ

Phủ tọa lạc tại quận Tây Hồ, Hà Nội, ở ngay sát Hồ Tây.

Ngoài ra, còn có thể kể đến nhiều địa điểm khác như đền Phố Cát, đền Sòng Sơn tại Thanh Hóa, đền Liễu Hạnh Công Chúa tại Quảng Bình, Phủ Đồi Ngang tại Ninh Bình, Phủ Cấm tại Nam Định,…

LỜI KẾT: Bài viết chia sẻ những thông tin đầy đủ và chi tiết nhất về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Chúc bạn sẽ có một chuyến đi lễ di xuân thuận lợi và có một năm mới bình an, vạn sự như ý.

 

Bình luận trên Facebook