Phong tục thờ cúng tổ tiên

Phong tục thờ cúng tổ tiên – nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc

“Dù ai đi ngược về xuôi 

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”

Câu thơ văng vẳng bên tai như lời nhắc nhở ta đừng bao giờ quên cội nguồn của dân tộc, đừng bao giờ quên về dòng máu lạc hồng đang sôi trào trong huyết quản mỗi người dân đất Việt. Hôm nay chúng ta được sống, được tự do, hạnh phúc là nhờ sự hi sinh của cha ông ta, những người đã hiến dâng cả tuổi xuân và xương máu của mình cho con cho cháu cuộc sống tốt đẹp hơn.

Không chỉ thế ông cha ta còn là người sinh thành, dưỡng dục ta thành người. Cũng vì lẽ đó mà tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời như một hành động thể hiện lòng biết ơn của con cháu với cha ông đi trước.

Tìm hiểu nguồn gốc thờ cúng tổ tiên là thế nào?

Nguồn gốc và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên 

Thờ cúng tổ tiên là một tập tục có từ ngàn đời xưa của người dân nước Việt. Đây là một truyền thống quý báu của dân tộc. Nó bắt nguồn từ lòng biết ơn, sự tưởng nhớ đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha ông đi trước. Nó là sự tri ân đối với những hi sinh của cha ông để con cháu đời sau có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nó còn thể hiện sự mong mỏi của con người rằng ông bà tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho con cháu được bình an, yên ấm.

Sở dĩ có tục lệ thờ cúng tổ tiên xuất phát từ quan niệm về cõi âm: theo quan niệm dân gian, con người ta ai cũng có thể xác và tâm hồn. Khi con người ta mất đi, hồn phách sẽ chuyển đến và tiếp tục tồn tại ở một thế giới khác và vẫn luôn quan sát thế giới thực của chúng ta. Vì thế người ta quan niệm rằng thờ phụng ông bà tổ tiên có nghĩa là ông bà tổ tiên sẽ chứng giám cho lòng thành và dõi theo từng bước đi của con cháu.

Cách thức thờ cúng tổ tiên đúng theo phong thủy

Cách thức thờ cúng ông bà tổ tiên 

Trong gia đình: 

Đối với mỗi gia đình, bàn thờ ông bà tổ tiên luôn là nơi linh thiêng nhất, trang trong nhất. Đó là nơi mà con cháu chúng ta thể hiện sự hiếu kính với ông bà tổ tiên:

Ngày rằm, mồng một, chúng ta lại dâng hương hoa tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, mời ông bà tổ tiên về chứng giám cho lòng thành của chúng ta.

Thông qua ngày giỗ: đây là cách để con cháu tưởng nhớ lại ngày mất của ông bà tổ tiên. Vào ngày này, con cháu thường tập trung đông đủ trước bàn thờ ông bà tổ tiên đã khuất, cùng nhau dâng lên ông bà tổ tiên những nén hương thơm và những món ăn truyền thống do chính tay chúng ta chuẩn bị như một lời mời ông bà tổ tiên về đoàn viên cùng con cháu trong gia đình

Đến ngày tết: con cháu chúng ta lại đi tảo mộ, quét dọn phần mộ của ông bà tổ tiên rồi mới ông bà tổ tiên về ăn tết cùng gia đình. Trong ba ngày tết, chúng ta tự tay làm những món ăn ngon nhất để dâng lên ông bà tổ tiên.

Trong gia tộc: 

Mỗi một gia tộc, một dòng họ thường có cho riêng mình một nhà thờ họ. Đây chính là nơi con cháu của cả dòng họ tưởng nhớ tới những người đã khuất của dòng họ mình. Và thường thì mỗi dòng họ sẽ có một ngày giỗ họ riêng. Ngày giỗ, con cháu của cả dòng họ sẽ tập trung về nhà thờ họ, cùng nhau dâng hương tưởng nhớ tới tổ tiên của mình.

Trong một làng:  

Đình làng chính là nơi thờ cúng ông tổ của làng. Họ lập đình, dựng tượng, bốc bát hương để thờ phụng và tưởng nhớ về người đã lập ra làng, tạo cho họ nơi an cư lạc nghiệp.

Đối với những làng nghề, người ta còn thờ phụng tổ nghề của họ.

Trong một dân tộc

Ở mức độ cao hơn, tổ tiên ở đây còn là tổ tiên chung của toàn dân tộc. Đó chính là các vua Hùng, là cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ – những người đã có công gây dựng lên nước Việt ta thuở ban đầu.

Đối với mỗi người con nước Việt, dù đi đâu, ở phương trời nào, dù bận rộn ra sao nhưng cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm là lòng lại hướng về đất tổ đến Hùng, cùng tưởng nhớ đến các vua Hùng trong ngày giỗ chung của toàn dân tộc. Trong ngày này, con dân đất Việt từ khắp mọi miền tổ quốc lại hành hương về đất tổ, dâng lên các vua Hùng những nén hương thơm và những cặp bánh chưng bánh dày đặc trưng của dân tộc Việt.

Xét từ góc độ lịch sử, tổ tiên ông cha ta còn là những anh hùng dân tộc gắn liền với những chiến công chói lọi: đó có thể là Hai Bà Trưng cưỡi voi xông pha trận tiền giành lại non sông từ tay quân xâm lược Hán, đó là Ngô vương Ngô Quyền giành lại độc lập lâu dài cho dân tộc, đó còn là Lý Thường Kiệt với chiến công lẫy lừng trên sông Như Nguyệt, đó cũng là Hoàng đế Quang Trung thần tốc năm ngày diệt 29 vạn quân Thanh,… Tất cả đó tạo nên bản anh hùng ca lưu danh sử sách.

Ngày hôm nay, thế hệ con cháu chúng ta lập đền thờ phụng họ, tưởng nhớ họ qua các chiến công và nhắc nhở cho con cho cháu về các chiến công ấy.

Ở một góc nhìn khác, tục thờ cúng tổ tiên còn thể hiện qua hành động tri ân các anh hùng liệt sĩ. Họ là những người đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, hi sinh hạnh phúc riêng của bản thân mình vì độc lập dân tộc. Có người đã ra đi mãi mãi khi tuổi còn đôi mươi, có người vĩnh viễn nằm lại đâu đó nơi chiến trường, có người đã hòa một phần xương máu và xác thịt của họ vào lòng đất mẹ để đổi lấy cho chúng ta độc lập tự do ngày hôm nay. Có người có tên và có người còn chẳng còn tên, tất cả tạo nên hai chữ “anh hùng’. Ngày hôm nay, chúng ta tưởng nhớ tới họ, tri ân họ trong ngày 27/7, cùng nhau thắp những nén hương, thả những ngọn đèn hoa đăng để nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau xác thịt trong các anh như lời tạ ơn từ tận đáy lòng của thế hệ hôm nay với các anh- những người anh hùng của dân tộc.

 

LỜI KẾT: Tất cả đó tạo nên một bản sắc riêng của văn hóa Việt, một nét văn hóa rất nhân văn, rất con người- tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về phong tục thờ cúng tổ tiên ngàn đời của dân tộc ta.

 

Bình luận trên Facebook